Tẩy trắng răng là một trong những liệu pháp phổ biến để cải thiện màu sắc của răng và mang lại nụ cười sáng hơn. Xu hướng tẩy trắng răng hiện nay thể hiện sự tăng cường về ý thức về sức khỏe răng miệng và mong muốn có một nụ cười đẹp hơn.
1. Tẩy trắng răng là gì?
Tẩy trắng răng là một kỹ thuật nha khoa làm cho răng trắng sáng hơn với phương pháp thực hiện theo nguyên tắc sử dụng chất oxy hoá (Carbamide Peroxide hoặc Hydrogen Peroxide) cho thẩm thấu qua lớp ngà.
Đồng thời phối hợp với ánh sáng Halogen hoặc Laser giúp tạo ra phản ứng oxy hoá cắt đứt các chuỗi phân tử tạo màu trong lớp ngà răng, giúp răng trắng sáng tự nhiên mà không gây tổn thương đến bề mặt cũng như kết cấu men răng.
2. Tẩy trắng răng có hại không?
Tẩy trắng răng được các chuyên gia nghiên cứu và khẳng định rằng nó an toàn đối với sức khỏe răng miệng, không làm tổn hại men răng, không gây biến đổi cấu trúc răng nếu làm đúng cách. Để đảm bảo an toàn và có kết quả tốt thì bạn vẫn nên đến các phòng khám nha khoa để xin lời khuyên cũng như được theo dõi từ nha sĩ.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tẩy trắng răng xong thì cảm thấy ê buốt. Tuy nhiên, đây được xem là triệu chứng bình thường và không gây nguy hiểm, gặp ở 60% số ca tẩy trắng.
Tình trạng buốt răng là do ở ngà răng có các ống ngà có chức năng dẫn truyền cảm giác nên khi bị tác động nó sẽ gây ê buốt ở mức độ nhẹ trong vài ngày, điều này không có gì phải lo lắng.
Những trường hợp sau đây không nên tẩy trắng răng:
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
- Trẻ em dưới 16 tuổi
- Người đang mắc các bệnh lý viêm nướu, sâu răng, mòn men răng. ..
- Người có tiền sử dị ứng với thuốc tẩy trắng
3. Những điều cần biết trước khi tẩy trắng răng
Trước khi tẩy trắng cần làm sạch cao răng, phục hồi các cổ răng bị mòn, chống ê buốt nếu răng quá nhạy cảm. Ngoài ra, bạn cần điều trị dứt điểm·các bệnh như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu, …
Mặt khác, thuốc tẩy trắng chỉ có tác dụng với răng thật nên đối với những người có răng bọc sứ, nên trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện tẩy trắng răng.
Hiệu quả tẩy trắng răng phụ thuộc vào tình trạng răng cũng như mức độ nhiễm màu răng. Trường hợp răng bị nhiễm màu nặng thì có thể áp dụng cả 2 phương pháp tẩy trắng tại phòng khám và ở nhà.
Triệu chứng ê buốt sau tẩy trắng được xem là bình thường. Nếu răng bị ê buốt nhiều có thể liên hệ với bác sĩ.
Sau 2 tuần tẩy trắng răng, bạn nên kiêng thực phẩm và đồ uống có màu, tránh uống nước quá nóng hoặc quá lạnh, chăm chỉ chăm sóc răng miệng để tránh nhiễm màu trở lại.
4. Các giải pháp tẩy trắng răng hiện nay
4.1 Đeo khay tẩy trắng răng tại nhà
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu răng và làm máng nhựa mềm trong suốt và phù hợp với từng bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ cung cấp thuốc tẩy trắng có nồng độ từ 10 -15% và hướng dẫn cách dùng máng tẩy và cách xử lý các tình huống có thể xảy ra khi thực hiện.
Tuy nhiên, giải pháp này phù hợp với người có răng nhiễm màu ở mức độ nhẹ do tuổi tác.
- Ưu điểm: Người dùng có thể linh hoạt thời gian sử dụng (đeo máng từ 2 – 3 giờ mỗi ngày vào bất kỳ lúc nào), chi phí rẻ.
- Nhược điểm: Áp dụng cho những trường hợp nhiễm màu nặng sẽ không đạt hiệu quả cao.
4.2 Tẩy trắng răng tại phòng khám
Đến nha khoa tẩy trắng, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nồng độ cao (30-37%), có thể kết hợp với năng lượng ánh sáng cường độ mạnh như Halogen hay Laser. Phương pháp này chỉ phù hợp với trường hợp răng bị nhiễm màu nặng, màu vàng sậm, nhiễm màu tetra cấp độ nhẹ và vừa.
- Ưu điểm: Phương pháp được hiện nhanh chóng dưới sự kiểm soát của bác sĩ nên mức độ tẩy trắng hiệu quả cao.
- Nhược điểm : Chi phí cao hơn
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm trắng răng bằng các sản phẩm như kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo nhai, miếng dán có thành phần thuốc tẩy trắng nồng độ thấp.. nhưng hiệu quả làm trắng răng thấp và chỉ được 1 thời gian ngắn.